Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 2.000 trẻ em bị đuối nước; điều đáng lưu ý là trong số các nạn nhân bị đuối nước, ngoài các nạn nhân không biết bơi, còn có cả nạn nhân biết bơi, thậm chí bơi rất giỏi nhưng chỉ trong vài giây lơ là, không kiểm soát tai nạn đuối nước có thể xẩy ra, cướp đi sinh mạng của của một con người để lại nỗi đau về tinh thần lẫn thể chất cho gia đình và xã hội. Những con số đau lòng này khiến nước ta trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.
Trong những năm gần đây, số vụ đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xu hướng gia tăng, cụ thể năm 2023 xẩy ra 13 vụ làm chết 18 người; năm 2024 xẩy ra 17 vụ làm chết 19 người; chỉ tính riêng từ 15/12/2024 đến 14/4/2025, toàn tỉnh xẩy ra 10 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 11 người (trong đó có 06 vụ đuổi nước trẻ em, chiếm 60% tổng số vụ).
Tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại các địa điểm cộng đồng như: ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, hố ga, hồ xây dựng... chiếm tới 77,6%; 15,8% xảy ra tại gia đình (nơi có giếng nước, bể nước, thùng đựng nước lớn mà không có nắp đậy..vv). Vào những tháng học sinh nghỉ hè và mùa mưa bão, đặc biệt là vào mùa hè. Vì thế phòng, chống đuối nước phải được triển khai thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, không được chủ quan, lơ là.
Nguyên nhân đuối nước phần lớn là do nhận thức, ý thức của người dân trước sự nguy hiểm và việc tự bảo vệ bản thân trong môi trường nước chưa cao; gia đình, người lớn còn thiếu sát sao trong quản lý con em mình; Một bộ phận lớn người dân (đặc biệt là trẻ em) không biết bơi và không có kiến thức, kỹ năng xửlý khi bị đuối nước. Bên cạnh đó có người dù biết bơi nhưng vẫn chủ quan, không mặc áo phao khi tắm, khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy (khi đi trên thuyền, đò...) dẫn đến đuối nước khi gặp tình huống bất ngờ.
Thời gian nghỉ hè của các em học sinh đang tới gần, nếu các em không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhớ rất có thể sẽ xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy để phòng chống tai nạn đuối nước, bảo đảm an toàn tính mạng của bản thân và con em chúng ta trong thời gian tới, đề nghị bà con nhân dân thực hiện các nội dung sau:
1. Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối; Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa; Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước; Không dùng các phao bơm hơi; Không cho trẻ đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi, kèm; không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống nước dễ bị đuối nước.
2. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc an toàn khi xuống nước như: Khởi động trước khi bơi tránh co rút cơ, mặc áo phao hoặc mang theo phao bơi khi xuống nước; mặc áo phao khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy kể cả đối với người biết bơi; chỉ nên tắm biển gần bờ và các vùng được cho phép; Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
3. Kiểm tra và làm rào chắn an toàn xung quanh ao, hồ, giếng nước trong gia đình và cộng đồng. Giám sát, quản lý chặt chẽ khi cho trẻ em tắm tại các bể bơi và các ao hồ, song suối, biển... Thường xuyên nhắc nhở, giáo dục trẻ em về sự nguy hiểm của đuối nước và các biện pháp phòng tránh; Dạy, cho trẻ em tham gia các lớp học kỹ năng bơi lội giúp các em có kỹ năng bơi tốt, chống đuối nước để các em có một kỳ nghỉ hè thật sự vui vẻ, an toàn và bổ ích.
4. Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân; tuyệt đối không được nháy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi. Khi xuống nước phải mang theo các vật nổi (nếu có), phải tiếp cận nạn nhân từ phía sau, nắm tóc nạn nhân để kéo lên tránh trường hợp nạn nhân hoảng loạn ôm, bám chặt gây nguy hiểm cho cả hai.
Nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sảo dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài, chắc từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bở, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.
Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí, nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyền động của lồng ngực, nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, dùng miệng áp miệng thổi ngạt cho nạn nhân. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, đặt bàn tay phải ẩn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức; tiếp tục ẩn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ẩm cơ thể bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, kính đề nghị bà con nhân dân hãy nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa và tuyên truyền đến những người xung quanh để cùng chung tay thực hiện.
Ban Biên tập Trang TTĐT phường.