Ở Việt Nam, với 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân chất độc da cam thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 và thứ 4, họ đang sống với những bệnh tật dày vò, dị dạng, tật nguyền, nhiều gia đình cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật. Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là lương tri và trách nhiệm của mọi người.
Chất độc da cam Là một loại chất độc hóa học không màu, không tan trong nước, tan trong dầu diezel và các dung môi hữu cơ, có tỷ trọng ở 25ºC là 1,28 kg/lít. Loại chất độc này được các nhà sản xuất để trong các thùng phuy sơn một vạch màu da cam ở giữa để đánh dấu độ độc của loại hóa chất này, nên được gọi là chất độc da cam.
Chất độc da cam là tổng hợp 50/50 của hai loại thuốc diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T. Mặc dù là tổng hợp của 2 loại chất diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T, nhưng không thể gọi chất độc da cam là "chất diệt cỏ" hay "chất làm rụng lá" thông thường, vì trong quá trình tổng hợp 2 chất diệt cỏ nói trên, các nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng để rút ngắn thời gian sản xuất, làm phát sinh thêm thành phần dioxin.
Dioxin là chất độc mạnh nhất mà loài người biết được cho đến nay. Các nhà khoa học tổng hợp được dioxin lần đầu tiên vào năm 1957. Người ta phát hiện dioxin có thể gây ung thư, các dị tật bẩm sinh trên các phôi với liều rất nhỏ. Với liều lượng cỡ 1 picogram dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram dioxin có thể lập tức gây chết người.
Chất độc da cam/dioxin: Là cụm từ được dùng để nhấn mạnh độc tính của chất độc da cam.
Từ xa xưa chất độc đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, chất độc hóa học đã được chế tạo và sử dụng như một loại vũ khí, được gọi là vũ khí giết người hàng loạt.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), quân đội đồng minh đã sử dụng các chất hóa học làm chảy nước mắt, làm hắt hơi, các chất gây ngạt thở, các chất gây bỏng, các chất làm liệt thần kinh, để làm mất sức chiến đấu của lực lượng vũ trang đối phương. Ngày 22/4/1915, quân Đức đã sử dụng chất độc Clo làm nhiễm độc và làm chết hàng nghìn quân Anh, Pháp; tháng 7/1917, quân Đức lại sử dụng chất Yperites trên chiến trường.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), quân Nhật đã sử dụng chất độc Yperite tại Trung Quốc; quân Đức đã sử dụng chất Zyklon B đầu độc các tù nhân ở các trại tập trung.
Chất độc hóa học cũng được Anh sử dụng trong chiến tranh chống quân du kích Malaysia. Các chất hóa học chủ yếu được sử dụng là một hỗn hợp các chất Na trichloro axetat (Sodium trichloro axetate STSA); 2,4-D (2,4- dichloro phenoxy acetic acid) và 2,4,5-T (2,4,5- Trichloro phenoxy acetic acid).
Cách đây 63 năm (ngày 10-8-1961), trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hoá học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Thực tế đã chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến năm 1971, chỉ trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ và đồng minh đã rải 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin và khoảng 9.000 tấn chất độc CS xuống các thôn làng, đồng ruộng, rừng cây của Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu héc-ta. Chất độc này gây nên thảm họa khốc liệt mà hiện nay hậu quả của nó vẫn còn tiếp diễn.
Sau này, ngày 10-8 hằng năm là ngày kỷ niệm “Thảm họa da cam ở Việt Nam” để nhắc nhớ về những nỗi đau mà nhiều thế hệ đã gánh chịu.
Kỷ niệm 63 năm thảm hoạ da cam/dioxin ở Việt nam là dịp để các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân địa phương thành kính, tri ân những công lao đóng góp của các nạn nhân chất độc da cam, những anh hùng liệt sỹ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Bằng những hành động thiết thực với tình cảm và trách nhiệm cao nhất trong việc tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị chất độc da cam.
Ban Biên Tập Trang TTĐT phường.